Tin tức & Sự kiện

Thị trường chuỗi lạnh: Nhu cầu vẫn cao và sẽ ngày càng cao

( 01-02-2021 - 02:32 PM ) - Lượt xem: 1810

Năm 2020, trong khi dòng chảy thương mại toàn cầu giảm đáng kể do hậu quả của đại dịch COVID-19, thị trường chuỗi lạnh vẫn tiếp tục tăng trưởng.

“Thị trường chuỗi lạnh đã cho thấy khả năng phục hồi đáng kinh ngạc,” Bill Duggan, cố vấn về lĩnh vực chuỗi lạnh Bắc Mỹ tại Eskesen Advisory, cho biết trong hội thảo trực tuyến có tiêu đề: “Cool Cargoes: Global Trends, Risk and Opportunities.”

 

Từ tháng 1 đến tháng 7 năm 2020, thương mại các sản phẩm lạnh trên toàn cầu vẫn tăng hơn 4%, bất chấp sự suy giảm chung của thương mại toàn cầu, theo PIERS, một công ty của JOC.com trong IHS Markit. Duggan cho biết nhân tố thúc đẩy sự tăng trưởng chính là Trung Quốc. “Trung Quốc đã thực sự vượt Mỹ trở thành nhà nhập khẩu thực phẩm tươi sống và đông lạnh số một toàn cầu, với lượng nhập khẩu tăng hơn 40% trong năm nay so với năm 2019”.

 

Mỹ là nhà cung cấp thực phẩm dễ hỏng hàng đầu cho Trung Quốc, với xuất khẩu tăng 146% trong năm 2020. Các quốc gia khác cũng ghi nhận mức xuất khẩu thực phẩm dễ hỏng sang Trung Quốc tăng trưởng tốt như Thái Lan (97%), Tây Ban Nha (92%), Brazil (88%), Chile (35%).

 

Thịt lợn là sản phẩm lạnh nhập khẩu lớn nhất của Trung Quốc. Dịch tả lợn châu Phi bùng phát vào năm 2018-2019 đã làm tổn thất một lượng lớn thịt lợn nội địa của Trung Quốc. Mặc dù sản xuất trong nước đang dần phục hồi nhưng Trung Quốc vẫn phải tiếp tục nhập khẩu thịt lợn từ các nước khác.

 

“Trung Quốc tiêu thụ 50% thịt lợn của thế giới nhưng chỉ sản xuất khoảng 30% lượng tiêu thụ”- Bill Duggan nhấn mạnh.

 

Phần lớn sản lượng nội địa của Trung Quốc đến từ các nông hộ nhỏ, điều này có thể ảnh hưởng đến độ tin cậy, an toàn thực phẩm và chất lượng. Trong khi sự gia tăng của tầng lớp trung lưu cũng kéo theo nhu cầu tiêu thụ thịt lợn và gia cầm đảm bảo an toàn thực phẩm tại nước này.

 

Elena Asher, trợ lý giám đốc logistics cho xuất khẩu của Dairy Farm of America (DFA)- công ty sữa lớn thứ ba toàn cầu và xuất khẩu nhiều loại sản phẩm sữa sang châu Á, Trung và Nam Mỹ, Trung Đông và các khu vực toàn cầu khác, cho biết xuất khẩu sữa cũng là một nhân tố thúc đẩy chuỗi lạnh toàn cầu.

 

Bà cho biết đại dịch đã làm gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực ở nhiều quốc gia, trong khi một số khách hàng của DFA đang đặt thêm đơn hàng để đảm bảo lượng hàng tồn kho, phòng khi lại xảy ra gián đoạn và tắc nghẽn chuỗi cung ứng trong thời gian tới.

 

Trước đây, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của DFA được vận chuyển trong các container khô. Tuy nhiên, nhu cầu phô mai trên toàn cầu tăng lên đang thúc đẩy họ sử dụng các thùng chứa lạnh.

 

“Ngành sản xuất phô mai đã thực sự thành công” bà khẳng định.

 

Tuy nhiên, DFA đã phải đối mặt với những thách thức do thiếu thiết bị lạnh hơn và khả năng lập, kiểm soát lịch trình. Elena Asher cho biết DFA là nhà xuất khẩu đáng tin cậy luôn cố gắng cung cấp thông tin liên lạc và dự báo chính xác và kịp thời cho các đối tác vận tải trên các tuyến thương mại khác nhau, nhưng họ thực sự gặp khó khăn trong việc đạt được cam kết đó.

 

“Chúng tôi có thể đối mặt với các rủi ro lên xuống của thị trường, nhưng khi chúng tôi đặt chỗ, chúng tôi sẽ tiếp tục giao dịch đó, chúng tôi sẽ không hủy bỏ”, bà cho biết. Tuy nhiên, “sự thiếu trách nhiệm” của các đối tác trong chuỗi cung ứng hàng hóa nhạy cảm với thời gian và nhiệt độ là cản trở rất lớn cho các nhà xuất khẩu.

 

Một ví dụ gần đây được trích dẫn liên quan đến sản phẩm lạnh được kéo từ nhà kho và được xếp trên bến tàu chờ đóng gói đến cảng. Người lái xe tải đã được điều động đến nhà ga để nhận các container lạnh, nhưng họ đã không có mặt đúng giờ để xử lý hàng, vì lý do từ “các máy phát điện” và đầu cắm điện container lạnh- lý do mà nhà vận tải đưa ra.  

 

Asher nói: “Có vẻ như các nhà cung cấp dịch vụ vận tải không có khả năng đảm bảo các thiết bị làm lạnh như yêu cầu”.

 

Để bảo vệ các nhà vận chuyển, Duggan cho biết các chủ hàng (beneficial cargo owners-BCO) cần phải thực hiện vai trò của họ khi nói đến việc đáp ứng các kỳ vọng về dịch vụ. Tóm lại, “Mọi người phải trả tiền” ông nói, đặc biệt là trong môi trường hiện nay khi công suất lạnh bị thách thức bởi sự ách tắc tại cảng biển.

 

Về phía chủ hàng, Asher cho biết không bao giờ muốn đẩy giá cước xuống đáy, bởi điều đó đồng nghĩa với việc chất lượng dịch vụ không được đảm bảo. Tuy nhiên, để tránh các sự cố xảy ra các chủ hàng và hãng vận tải buộc phải ngồi lại với nhau và tìm cách giải quyết các điều khoản bất hợp lý.

 

Trong khi đó, khả năng phục hồi của thị trường sản phẩm đông lạnh toàn cầu đang thúc đẩy công suất tăng lên.

 

Duggan cho biết lượng container lạnh mới, phần lớn là container cao 40 feet, dự báo đạt 145.000 chiếc (khoảng 290.000 TEU) trong năm 2020, mức cao thứ hai trong thập kỷ qua. Năm 2011, sản lượng đạt mức cao nhất là 152.500 chiếc (305.000 TEU); so với mức 80.000 chiếc (160.000 TEU) vào năm 2016.

 

Về thị phần, hàng rời hiện chiếm khoảng 12% so với 88% thị phần của hàng lạnh đóng container. Quy mô thị trường sản phẩm lạnh toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.



TRA CỨU KHÔNG VẬN ĐƠN

Click để tra cứu